Thúc đẩy giải pháp tuần hoàn cho Thỏa thuận toàn cầu về nhựa
2024-11-21 09:20:00.0
Để chuẩn bị cho thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, dự kiến sẽ đạt được tại phiên họp cuối cùng của Uỷ ban đàm phán liên Chính phủ về thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (INC-5) ở Busan (Hàn Quốc) vào cuối tháng 11, ngày 19/11, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với Viện Hanns Seidel Foundation (HSF) tổ chức Hội thảo Thúc đẩy các giải pháp tuần hoàn để thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.
Hội thảo nhằm đánh giá khung chính sách, xác định một cách có hệ thống các cơ hội, thách thức và nguồn lực cần thiết để đẩy nhanh các giải pháp tuần hoàn khả thi, qua đó hỗ trợ các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, cho biết: Trên hành trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa, Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, nhận thấy tầm quan trọng của các mô hình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, tái chế và quản lý bền vững các sản phẩm nhựa.
Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, phát biểu khai mạc hội thảo
Theo đó, kinh tế tuần hoàn đã được thể chế hóa tại Điều 142, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 với nội dung: “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.
Ngoài ra, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020 đã quy định tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích phát triển KTTH.
Thực hiện theo Điều 139 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Bộ TN&MT được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Hiện nay, Bộ TN&MT đã hoàn thành Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đã, dự kiến được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quý IV năm 2024.
Chuẩn bị cho vòng đàm phán cuối cùng, INC-5 tại Busan, Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TN&MT), phối hợp cùng Chương trình Đối tác Hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP) đã tổ chức nhiều hội thảo kỹ thuật liên quan. Tại các hội thảo trên, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều ý kiến liên quan tới các vấn đề liên quan tới quản lý rác thải nhựa và tuần hoàn nhựa, cũng như tác động và sự tham gia của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành nhựa, trong thỏa thuận này.
Tại hội thảo này, các diễn giả và chuyên gia cùng nhau thảo luận về các giải pháp giảm ô nhiễm rác thải nhựa, thiết kế tuần hoàn và thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, cũng như sáng kiến tài chính cho việc giảm ô nhiễm nhựa.
Đồng thời, các đại biểu cũng tham gia vào phiên thảo luận với chủ đề: Thúc đẩy các giải pháp tuần hoàn để hỗ trợ thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.
Tiếp lời ông Nguyễn Trung Thắng, ông Michael Siegner, Trưởng đại diện Viện Hanns Seidel (HSF) tại Việt Nam, đánh giá, Việt Nam đang đứng trước cơ hội quan trọng để dẫn đầu các nỗ lực khu vực hướng tới một tương lai bền vững. Thoả thuận toàn cầu về nhựa sẽ tạo đà giúp giải quyết toàn diện vấn đề ô nhiễm nhựa của đất nước.
Ông Michael Siegner, Trưởng đại diện Viện Hanns Seidel (HSF) tại Việt Nam, phát biểu tại hội thảo
Để thực hiện thành công thỏa thuận này, các giải pháp kinh tế tuần hoàn đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Theo đó, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm chiến lược từ các quốc gia đi trước như Đức và Liên minh châu Âu (EU) để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và hướng tới các giải pháp tuần hoàn nhằm đáp ứng các mục tiêu của thoả thuận.
Đầu tiên, về khuôn khổ pháp lý, Việt Nam cần tăng cường khuôn khổ pháp lý và ban hành các chính sách hiệu quả. Đây được coi là “xương sống” của bất kỳ nỗ lực thay đổi nào.
Ông Nguyễn Trung Thắng chủ trì hội thảo
Việt Nam đã đạt được những bước tiến với Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và các sáng kiến khác, đặc biệt là liên quan đến quá trình xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia về nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, các nhiệm vụ rõ ràng về việc giảm thiểu nhựa dùng một lần, khuyến khích thiết kế sản phẩm có khả năng tái chế, thúc đẩy trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và việc thực hiện thực tế các sáng kiến này cần được thúc đẩy hơn nữa.
Thứ hai, Việt Nam cần chú trọng và tăng cường hơn nữa nỗ lực hợp tác quốc tế.
Không quốc gia nào đơn độc trên hành trình chống ô nhiễm nhựa. Sự tham gia nhiệt tình và chủ động của Việt Nam vào các vòng đàm phán thỏa thuận toàn cầu về nhựa đã cho thấy cam kết của nước này trong việc tăng cường hợp tác quốc tế. Trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và sự hỗ trợ từ các tổ chức đa phương là một chìa khoá đem lại thành công cho nỗ lực thực hiện cam kết toàn cầu về nhựa.
Toàn cảnh hội thảo
Cuối cùng, cần trao quyền nhiều hơn cho các công ty khởi nghiệp và các cơ quan đổi mới với những sáng kiến hay về kinh doanh bền vững, kinh tế tuần hoàn. Nền kinh tế tuần hoàn sẽ phát triển mạnh khi các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đổi mới, dẫn đầu và các công ty khởi nghiệp và nhà đổi mới là động lực cho các giải pháp sáng tạo.
“Sự nhanh nhạy và cách tiếp cận tiến bộ khiến họ trở thành một thành phần quan trọng trong giải quyết các thách thức về tính bền vững toàn cầu”, ông Michael Siegner nhấn mạnh.
baotainguyenmoitruong.vn